Với tinh thần trách nhiệm trong từng công việc, về phương diện kỹ thuật, lần này Nông Nghiệp Sesan Gia Lai muốn đồng hành cùng bà con trong việc chăm sóc chanh dây vào mùa mưa đạt năng suất cao để bà con áp dụng vào từng quy trình và cho ra sản lượng khi thu hoạch lớn nhất.
Trong phần một, Nông Nghiệp Sesan Gia Lai đã đề cấp đến cách chăm sóc vườn cơ bản để bà con có thể phòng chống được sâu bệnh trong mùa mưa. Thì phần này, chúng tôi đi sâu hơn vào các bệnh mà cây chanh dây dễ mắc phải mùa mưa. Bà con cùng theo dõi để biết cách phòng tránh và chữa trị của các bệnh này nhé!
I. Một số bệnh cây chanh dây dễ mắc phải vào mùa mưa:
1. Bệnh đốm nâu (nấm mắt cua):
– Nguyên nhân: Bệnh đốm nâu do nấm (Alternaria alternata; Alternaria passiflorae gây ra. Bệnh gây hại trên lá và quả tạo thành những đốm tròn có màu nâu đỏ, bệnh nặng làm rách lá và thối, rụng quả.
– Đặc điểm bệnh đốm nâu: Bệnh phát sinh nhiều vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9, cao điểm gây hại vào tháng 8, là thời điểm mưa nhiều, cây và quả đang phát triển mạnh. Nấm phát triển thuận lợi trong điều kiện ẩm ướt, mưa nhiều, nhiệt độ khoảng 20 – 280C, ẩm độ cao trên 85% và ở những vườn có mật độ trồng dày. Nấm xâm nhập vào cây qua vết thương cơ giới, vết gây hại của côn trùng và qua khí khổng mặt dưới lá. Nấm tồn tại trên tàn dư lá bệnh. Bào tử nấm lan truyền nhờ gió, nước mưa, nước tưới, côn trùng, dụng cụ và con người qua quá trình chăm sóc cây. Tác hại của bệnh là gây ra vết đốm trên lá và quả, làm giảm khả năng quang hợp, quả có thể bị thối, đặc biệt làm mất giá trị thương phẩm khi tiêu thụ trên thị trường.
– Phòng trừ bệnh đốm nâu:
+ Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn thường xuyên, loại bỏ lá bệnh và những cành kém hiệu quả để cây thông thoáng. Kiểm tra vườn, thu gom, tiêu hủy những lá bệnh ngoài lô sản xuất theo đúng kỹ thuật.
+ Biện pháp sinh học, hóa học: Sử dụng các thuốc có hoạt chất kháng nấm khi phát hiện bệnh như Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil Gold 68WG), Copper Oxychloride (COC 85WP), Propineb (Tilt Super 300EC) để phun. Có thể phun Phosphonate (Agrifos 400) vào đầu mùa mưa để ngừa bệnh. Ưu tiên sử dụng các hoạt chất sinh học.
2. Bệnh đốm dầu vi khuẩn
– Nguyên nhân, triệu chứng bệnh:
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas passiflora và Pseudomnas syringae gây ra. Bệnh thường bị bội nhiễm với nấm Phythopthora sp gây ra nên dễ gây nhầm lẫn. Bệnh gây hại trên lá và quả phá hủy bộ lá, làm suy giảm quang hợp, gây ra thối quả và lây lan nhanh chóng trong mùa mưa, làm phá hủy vườn cây, suy giảm năng suất, chất lượng thậm chí mất trắng.
– Đặc điểm phát sinh gây hại:
Bệnh thường xuất hiện và gây hại nặng trong mùa mưa.
– Biện pháp phòng chống:
+ Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, loại bỏ lá bệnh đem ra khỏi vườn, cắt tỉa những cành kém hiệu quả để cây thông thoáng.
+ Biện pháp sinh học, hóa học: Xử lý, tiêu hủy ngay lá, quả bệnh khi thấy xuất hiện. Ưu tiên sử dụng các hoạt chất sinh học. Phun các hoạt chất Mancozeb (Dithane F – 448, Manozeb 80WP), thuốc gốc đồng (Kocide 53.8DF), hoạt chất Oxolinic acid (Starner 20WP), khi lá non bắt đầu xuất hiện vết bệnh. Phun liên tiếp 3 lần cách nhau 7 ngày 1 lần. Chú ý phun vào những đợt lá ra vào đầu mùa mưa. Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.
3. Bệnh thối thân, thối quả:
– Nguyên nhân, triệu chứng:
Bệnh do nấm Phytophthora cinnamomi và Phytophthora megasperma, Phytophthora nicotianae gây ra.
Vết bệnh xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên lá, kích thước vết bệnh rất lớn và thường có màu xanh xám, giữa mô bệnh và mô khỏe không rõ ràng, bệnh thường phát triển rất nhanh và lan xuống cả cành, cả dây và quả.
Bệnh gây thối thân, thối rễ, nếu bệnh nặng làm cây chết. Vết bệnh thường xuất hiện từ phần dưới của quả, ban đầu là đốm nhỏ màu nâu nhạt hay đậm sau nhanh chóng lan rộng và hình thành các vòng đồng tâm trong có màu nâu đậm, ngoài màu nâu sáng, ranh giới vết bệnh rõ rang. Bệnh nặng hơn trong điều kiện ẩm ướt, cây trồng dày và không được cắt tỉa, khi đó quả bị thối hoàn toàn và trên bề mặt có lớp nấm trắng hơi nhầy.
– Đặc điểm phát sinh gây hại:
Bệnh gây hại chủ yếu vào các tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 9), cao điểm gây hại vào tháng 8. Đây là thời điểm điều kiện thời tiết có mưa nhiều nên bệnh phát sinh và lây lan nhanh. Bệnh phát triển mạnh trên những vườn chanh leo có mật độ trồng dày, không được cắt tỉa và vệ sinh sạch sẽ, thoát nước kém.
– Biện pháp phòng chống:
+ Biện pháp canh tác: Trồng cây trên luống và tuyệt đối không lấp cổ rễ. Tỉa cành, lá, giữ vườn luôn thông thoáng. Thu gom, tiêu hủy cây, lá, quả bệnh. Bón phân cân đối, hạn chế mọi tác động cơ học làm tổn thương tới rễ.
+ Biện pháp sinh học, hóa học: Sử dụng các hoạt chất Dimethomorph (Amistar top 325SC), Mancozeb + Metalaxyl M (Ridomil Gold 68WG), Copper Hydroxide (COC 85WP), Phosphonate (Agrifos 400) theo khuyến cáo của nhà sản xuất để phun khi thấy bệnh xuất hiện. Ưu tiên sử dụng các hoạt chất sinh học.
4, Bệnh thối gốc, phình thân:
– Nguyên nhân, triệu chứng bệnh:
+ Bệnh do nấm Fusarium solani gây ra.
+ Biểu hiện của bệnh chủ yếu ở phần gốc thân. Triệu chứng đầu tiên thường là phần gốc thân bị phình to. Trên bề mặt chỗ bị phình thường có các vết hằn màu đậm. Cắt ngang cả phần vỏ chứa phloem và phần lõi chứa mạch xylem bị thâm nâu. Thông thường, phần vỏ bị thâm nâu sẽ tương ứng với chỗ vết hằn màu đậm khi quan sát từ bên ngoài. Phần thân bị phình về sau sẽ nứt vỡ theo chiều dọc, mô bị thối hỏng hoàn toàn và trên bề mặt có lớp nấm trắng và nhiều các chấm màu đỏ.
– Đặc điểm phát sinh gây hại:
Bệnh phát sinh gây hại trên những vườn chanh leo ứ đọng nước, thoát nước kém. Bệnh có xu hướng tăng mạnh sau khi kết thúc chu kỳ thu hoạch quả năm đầu, để lưu gốc năm sau. Hiện tượng phình thân xuất hiện cả trên thân chính và các cành cấp 1. Phần thân phình to khác thường so phần thân không bị bệnh trên cùng một cây. Có những thân khi thân phình to quá mức dẫn tới hiện tượng nứt thân và nhiều nấm hoại sinh tấn công. Tác hại của bệnh làm thân cây bị phình, gốc bị thối có thể dẫn đên cây bị chết.
– Biện pháp phòng chống:
+ Biện pháp canh tác: Không trồng cây sâu quá cổ rễ. Vệ sinh vườn sạch sẽ.
+ Biện pháp sinh học, hoá học: Sử dụng các hoạt chất Mataxyl, Fosetyl-aluminium, Mancozeb + Metalaxyl M (Ridomil Gold 68WG), Copper Oxychloride (COC 85WP) để phun khi thấy bệnh xuất hiện. Cạo sạch các phần bị bệnh trên thân cây, quét thuốc trực tiếp lên vết bệnh. Ưu tiên sử dụng các hoạt chất sinh học.
5. Bệnh đốm xám:
– Nguyên nhân, triệu chứng bệnh:
Bệnh do nấm Septoria passiflorae gây ra.
Bệnh tấn công các bộ phận lá, thân, và quả, gây hại nặng có thể làm rụng lá, rụng quả sớm dẫn đến giảm năng suất. Trên lá, vết bệnh thường không có hình dạng cố định, chỉ là những đốm nhỏ màu nâu sáng, nhanh chóng lan rộng và làm lá rụng. Trên thân, vết bệnh có hình dạng bất định, lõm vào bên trong thân và có màu nâu sáng. Trên quả, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, tương tự như trên lá và thân. Sau đó phát triển rộng tạo thành những vết thương tổn lớn gây rụng quả.
– Đặc điểm phát sinh gây hại:
Bệnh thường xuất hiện phổ biến trong các tháng mùa mưa.
– Biện pháp phòng chống:
+ Biện pháp canh tác: Kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện bệnh kịp thời. Thu gom và tiêu hủy tất cả lá, quả, cành bị bệnh.
+ Biện pháp sinh học, hóa học: Sử dụng các hoạt chất Dimethomorph (Amistar top 325SC), Mancozeb + Metalaxyl M (Ridomil Gold 68WG), Copper Oxychloride, Copper Hydroxide (COC 85WP) để phun khi thấy bệnh xuất hiện. Ưu tiên sử dụng các hoạt chất sinh học.
6. Bệnh thán thư:
– Nguyên nhân triệu chứng:
Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Khối bào tử nấm hình thành trên vết bệnh chính là đĩa cành (acevuli) của nấm. Nấm có phổ ký chủ rộng, gây hại trên hàng trăm loại cây trồng khác nhau.
+ Bệnh gây hại trên lá, thân cành và quả.
- Trên lá vết bệnh ban đầu là những đốm tròn có màu nâu nhỏ, kích thước từ 2-3 mm, bề mặt ướt dạng dầu, xung quanh vết bệnh có viền màu xanh xám. Sau đó, vết bệnh phát triển thành vết lớn màu nâu đậm, hình hơi tròn hoặc không định hình, có kích thước > 1 cm. Ở điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao, các vết bệnh có thể phát triển lên cả cuống lá, các vết bệnh có thể liên kết làm cả mảng lá bị chết, và có thể làm rụng lá.
- Trên thân, cành: Vết bệnh là các vết đốm màu nâu đậm, đường kính 4-6 mm, phát triển thành các vết bệnh giống như bị loét. Bệnh nặng có thể gây chết ngọn và tàn lụi cây, gây rụng hoa và quả sớm.
- Trên quả: Vết bệnh ban đầu chỉ biểu hiện ở trên bề mặt quả, có màu nâu nhạt, về sau lõm xuống, có màu xám nhạt hoặc nâu đậm. Vết bệnh có thể phát triển > 1cm và ăn sâu vào phần trong của quả. Khi quả chín, các vết bệnh liên kết với nhau, có màu xám nhạt và ướt dạng dầu, vỏ quả trở nên mỏng.
Ở điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ cao, trên bề mặt vết bệnh (lá, thân, quả) hình thành nhiều khối bào tử nấm màu nâu hồng nhạt.
– Đặc điểm phát sinh gây hại: Bệnh thán thư phát triển, lây lan nhanh và gây bệnh mạnh trong điều kiện nhiệt độ từ 28-300C ẩm độ cao, vườn bón nhiều đạm, mật độ trồng dày. Bào tử phát tán nhờ mưa gió và côn trùng. Nấm tồn tại trên giống, tàn dư cây bệnh và trên các cây ký chủ khác. Khu vực phía Bắc và bắc Trung bộ, bệnh gây hại từ tháng 4 – 11 hàng năm, cao điểm vào các tháng 6-8. Khu vực Tây Nguyên bệnh gây hại quanh năm, cao điểm vào các tháng 8-10. Bên cạnh nhiệt độ và ẩm độ cao bệnh phát triển mạnh khi cây chanh leo sinh trưởng trong điều kiện dinh dưỡng kém.
– Biện pháp phòng chống:
+ Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn thường xuyên, loại bỏ lá bệnh và những cành kém hiệu quả để cây thông thoáng, kiểm tra vườn, phát hiện những lá bệnh, tiến hành thu gom, tiêu hủy ngoài lô sản xuất theo đúng kỹ thuật.
+ Biện pháp sinh học, hóa học: Sử dụng các thuốc có hoạt chất kháng nấm Mancozeb + Metalaxyl M (Ridomil Gold 68WG), Copper Oxychloride (COC 85WP), Propineb (Antracol 70 WP) để phun khi thấy bệnh xuất hiện.
7. Tuyến trùng hại chanh leo:
– Nguyên nhân, triệu chứng:
Tác nhân gây bệnh do tuyến trùng Meloidogyne incognit và M. javanica.
Triệu chứng: cây xuất hiện những cục bướu trên rễ. Rễ cây chuyển thành màu vàng, màu nâu và có thể bị thối. Ngoài ra, cây sẽ bị vàng lá, chồi không phát triển, quả nhỏ, cây còi cọc dù đã được bón phân và tưới nước hợp lý.
Bệnh tuyến trùng thường có các triệu chứng tương đồng với trường hợp cây không được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng nên thường nhầm lẫn và không có biện pháp phòng chống bệnh kịp thời.
– Đặc điểm phát sinh gây hại:
Bệnh tuyến trùng thường gây hại nặng trên vườn đã trồng các cây là ký chủ của tuyến trùng.
– Biện pháp phòng chống:
+ Biện pháp canh tác: Luân canh cây trồng.
+ Biện pháp sinh học, hóa học: Sử dụng thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất saponin, ankaloid. Xử lý đất khi phát hiện đất trước khi trồng hoặc cây bị bệnh sử dụng các thuốc có hoạt chất Abamectin (Tervigo 20SC+ Trico – VTN), Ethoprophos (Vimoca 10G), Clinoptilolite (Map Logic 90WP ).
II. Côn trùng gây hại mùa mưa:
– Ruồi đục quả:
+ Tên khoa học: Có 2 loài ruồi gây hại trên chanh leo là các loài Bactrocera dorsalis Hendel và Bactrocera correcta Bezzi, trong đó gây hại chủ yếu là loài B. dorsalis Hendel.
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại:
Khi bị ruồi đục quả gây hại, quả non bị hại nhăn nheo và rụng sớm, trên quả đã lớn xung quanh vết hại hơi lõm xuống, vị trí vết hại vỏ quả cứng màu xám trắng, chính giữa vết hại có chấm màu đen. Vết thương do ruồi đục sẽ làm giảm giá trị thương phẩm của quả.
– Quy luật phát sinh gây hại:
Ruồi đục quả bắt đầu xuất hiện khi chanh leo hình thành quả, quả càng to mật độ ruồi xuất hiện càng nhiều, đặc biệt cao điểm xuất hiện khi quả bước sang giai đoạn chín. Ruồi xuất hiện nhiều vào tháng 7, 8 đây là thời điểm quả chín gối lứa liên tục.
– Biện pháp phòng chống:
+ Biện pháp canh tác: Thu gom hết trái rơi rụng trong vườn đem chôn sâu dưới đất có rải thêm vôi bột để tiêu diệt hết trứng và dòi non còn nằm bên trong nhằm tránh lây lan. Không nên thu thập những trái bị hại để ủ đống mà phải đem đốt hoặc chôn sâu dưới 50cm. Vệ sinh vườn thường xuyên bằng cách cắt tỉa những cành, nhánh không cần thiết, tạo cho vườn luôn thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành..
+ Biện pháp sinh học, hóa học: Sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc bẫy dẫn dụ có hoạt chất Methyl Eugenol treo bên ngoài vườn, để dự báo sự xuất hiện của ruồi. Phun bả protein (ENTO – PROTEIN 150DD khi có ruồi vào bẫy với liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Phun bả protein đồng loạt trên diện rộng để tăng hiệu quả diệt ruồi.
Bên trên là một số bệnh mà cây chanh dây có thể gặp phải vào mùa mưa. Tốt nhất bà con nên chọn giống chanh dây có độ uy tín cao kháng bệnh tốt, năng suất ổn định để không phải chịu nhiều rủi ro trong quá trình gieo trồng. Nông Nghiệp Sesan Gia Lai cung cấp giống chanh dây Đài Nông 1 Đức Điền được đảm bảo chất lượng trong nhiều năm qua cũng xin ứng cử vào danh sách tiềm năng để bà con cân nhắc và lựa chọn.
Tóm lại, khi bước vào giai đoạn mùa mưa là giai đoạn cây chanh dây đang trong tuổi trưởng thành nên cần rất nhiều sự quan tâm chăm sóc của người nông dân. Đây cũng là lúc đánh dấu chất lượng của quả sau này, nên bà con cân nhắc lựa chọn phương pháp chăm sóc hiệu quả nhất cho vườn chanh dây bội thu nhé!
Cảm ơn bà con đã theo dõi!