CÁCH ĐI GIÀN VÀ HƯỚNG TRỒNG CHANH DÂY

CÁCH ĐI GIÀN VÀ HƯỚNG TRỒNG CHANH DÂY

Làm giàn cho chanh dây là một bước quan trọng để tối đa năng suất. Dưới đây là một số cách đi giàn và hướng trồng chanh dây phổ biến hiện nay.

Chanh dây là một loài thực vật bán thân gỗ, sống lâu năm, thân bò leo và phát triển rất nhanh. Vì thân cây bò leo nên để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch, bà con thường làm giàn cho chanh leo. Làm giàn cho chanh dây cũng là một bước quan trọng để tối đa năng suất. Sau đây là những loại giàn phổ biến hiện nay được Đài Nông 1 Đức Điền tổng hợp và gửi đến bà con trồng chanh.

1. GIÀN TRUYỀN THỐNG.

– Sử dụng cọc bê tông xen kẽ với cọc tre hoặc cây gỗ tạp. Riêng hàng cọc ngoài cùng (hàng biên) cần sử dụng 100% cọc bê tông và phải tiến hành neo cọc.

– Khoảng cách giữa các cọc/hàng: 5m.

– Cọc bê tông có tác dụng là cọc chịu lực, nên có chiều cao 2,5 – 3m. Chôn sâu 50cm trở lên sao cho chiều cao giàn từ 2 – 2,5m.

– Cọc tre có tác dụng chống giàn, có thể chôn hoặc không. Phần chân cọc nên sơn hoặc nhúng thuốc chống mối để tăng độ bền của giàn.

– Sau khi trồng cọc ta tiến hành căng kẽm bên trên đầu cọc. Cách căng như sau:

+ Kẽm 4 li: Căng xung quanh và căng nối các đầu cọc.

+ Kẽm 1-2 li: Căng đan bên trong thành ô vuông 50 x 50cm.

*Ưu điểm của giàn truyền thống:

– Có thể tận dụng trụ tiêu trong những năm đầu khi tiêu chưa phát triển.

– Thời gian sử dụng từ 2 – 3 năm.

– Dễ dàng thực hiện.

– Phù hợp với diện tích đất bằng phẳng, vuông vắn

*Nhược điểm của giàn truyền thống.

– Không đa dạng với các diện tích đất không bằng phẳng, xiên xẹo.

– Khó xen canh các loại cây ở dưới khi chanh đã phủ giàn.

– Khó chăm sóc, đặc biệt là khó theo dõi và xử lí khi cây có bệnh.

– Trong trường hợp làm không chắc chắn giàn rất dễ bị sập, khi sập ở 1 vị trí thì ảnh hưởng đến cả giàn.

2. GIÀN CHỮ I (GIÀN THẲNG ĐỨNG)

– Sử dụng cọc tre, cọc bê tông, chôn sâu 40 – 50cm. Chiều cao cọc tính từ mặt đất đến đỉnh cọc là 1,8 – 2m (Nếu có điều kiện có thể làm cao hơn).

– Mỗi cọc cách nhau 2m và mỗi hàng cách nhau 1m.

– Dùng kẽm 3 – 4li, nối các đỉnh cọc và các cọc với nhau (Cọc trong cùng 1 hàng). Dây cách dây 40 – 50cm.

– Có thể buộc thêm đường chéo từ đỉnh cọc xuống chân cọc kế tiếp, vừa có tác dụng gia cố, vừa tăng diện tích cho cây đeo bám.

*Ưu điểm của giàn chữ I

– Dễ thi công, tiết kiệm nguyên vật liệu.

– Mật độ trồng cao, năng suất trên cùng một diện tích có thể cao hơn các kiểu giàn khác.

– Cây quang hợp tốt, không bị cạnh tranh ánh sáng.

– Dễ dàng chăm sóc, thuận tiện trong việc kiểm soát dịch bệnh và thu hoạch.

– Có thể xen canh giữa khoảng trống các hàng, tận dụng tối đa diện tích canh tác.

* Nhược điểm của giàn chữ I

– Khó di chuyển giữa các hàng.

– Chanh đẻ nhánh sát mặt đất nên dễ bị nhiễm sâu bệnh.

3. GIÀN CHỮ T

– Giàn chữ T cọc đơn: Cắm cọc với khoảng cách 3m, thanh ngang 1,2 – 1,5m. Chiều cao của cọc khoảng 3m, trong đó 0,5 m chôn sâu dưới đất.

– Giàn chữ T cọc đôi: trồng cọc thành từng đôi cách nhau 1m, thanh ngang 2,5 – 3m. Mỗi đôi cọc cách nhau 4m – 4,5m.

– Mỗi hàng cách nhau 3m.

– Dùng dây kẽm loại 3 – 4li, buộc nối các đầu cọc, đầu thanh ngang với nhau. Kẽm nhỏ hơn 1 – 2li buộc thành các đường song song trên thanh ngang, mỗi dây cách nhau 50cm.

*Ưu điểm của giàn chữ T

– Có khoảng trống bên trên và giữa các hàng có thể tận dụng để xen canh các cây trồng khác.

– Nhận được nhiều ánh sáng mặt trời.

– Ít sâu bệnh hơn các loại giàn khác.

– Dễ dàng quan sát, kịp thời xử lí nếu có sâu bệnh. Thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.

* Nhược điểm của giàn chữ T

– Cần nhiều kĩ thuật để thi công.

– Mật độ trồng thưa, làm năng suất cây không phát huy hết khả năng.

– Chi phí cao cho cọc chính do cọc chính chịu nhiều lực nên cần sử dụng nguyên liệu tốt.

Nhìn chung, mỗi loại giàn đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Tuỳ vào hạn mức đầu tư, vị trí, địa thế đất để bà con lựa chọn cho mình loại giàn phù hợp nhất.

Chia sẻ bài viết:
Bài viết khác:
z5949161936720_b8046c8d64636ac977bf23378907040a
Quy trình chăm sóc chanh dây Sumit Đức Điền
nong-nghiep-sesan-xuat-khau-chanh-tuoi
Chanh dây Việt Nam chính thức được phép vào Mỹ
chanh-day-giong-gia-tot
Bạn biết gì về giống chanh dây Đài Nông 1 Đức Điền?
Tuyển dụng t10 2024-01
Tuyển dụng Kỹ Sư Thực Phẩm - Kỹ sư Nông Nghiệp - Công Nhân tại Gia Lai tháng 10/2024
12
TUYÊN DỤNG NHÀ PHÂN PHỐI - ĐẠI LÝ
ĐĂNG KÝ ĐẠI LÝ