Việc xử lý đất trồng trong giai đoạn đầu trước khi canh tác chanh dây hoặc bất kỳ loại cây nào khác vô cùng quan trọng. Xứ lý đất trồng trước khi xuống giống giúp cây có môi trường phát triển tốt và hạn chế sâu bệnh gay hại cho cây.
Đất mẹ là môi trường quan trọng để cây phát triển, là cầu nối cung cấp nước, ôxi, chất dinh dưỡng, cũng là điểm tựa giúp cây đứng vững và lớn lên. Khi trồng bất kỳ loại cây nào, việc đầu tiên cần làm là phải tìm hiểu đất trồng có phù hợp với cây hay không. Từ đó, áp dụng các phương pháp cải tạo đất giúp cây trồng có môi trường phát triển tốt nhất.
Hình ảnh: Tầm quan trọng của việc xử lý đất trồng trong canh tác chanh dây
Chanh dây là loại cây dễ trồng, thích hợp với nhiều loại khí hậu và đất, các nghiên cứu đã chỉ ra, thổ nhưỡng cùng thời tiết tại Tây Nguyên là phù hợp nhất. Dưới đây, Nông nghiệp Sesan Gia Lai xin cung cấp một số đặc điểm cũng như tầm quan trọng của việc xử lý đất trồng trong canh tác chanh dây, để bà con cùng tham khảo.
1. Tầm quan trọng của đất trong canh tác nói chung và chanh dây nói riêng:
Ai cũng biết, muốn trồng cây thì phải có đất, tùy loại cây trồng sẽ có loại đất tương ứng phù hợp. Với những loại cây thân mền như rau, hoa thì loại đất phù hợp là đất phù sa hoặc đất mùn thuộc dạng đất phì nhiêu giàu chất dinh dưỡng. Còn nếu các loại cây ăn trái thì đất được yêu cầu có độ cứng cao, giàu chất hữu cơ… Nếu chất đất không phù hợp, người nông dân bắt buộc phải cải tạo lại đất trồng.
Với công đoạn chuẩn bị, đất phải được san bằng, xới và đập đất cho tơi ra, sau đó, bỏ vôi để khử giúp phòng tránh được một số bệnh. Bởi vì, trong đất thường chứa nấm mốc gây bệnh, khi có điều kiện thích hợp mầm bệnh sẽ thâm nhập vào cây gây thiệt hại rất lớn cho cây trồng.
Riêng đối với chanh dây, bà con nên chuẩn bị đất bằng cách khử đất trước một tháng rồi mới xuống giống để đảm bảo đất không còn vi khuẩn hay nấm nhiễm bệnh cho cây. Trong kỹ thuật trồng chanh dây, Sesan Gia Lai đã nêu rõ các từng công đoạn chuẩn bị đất như thế nào để cây lớn nhanh, cho năng suất tốt và phòng tránh một số bệnh truyền qua đất phổ biến như: Thối mềm, bệnh bạc lá, thối rễ, héo khô, héo vi khuẩn tiêu và tuyến trùng…
2. Một số đặc điểm đất trồng chanh dây mà bà con cần lưu ý:
Chanh dây không yêu cầu quá nhiều về đất trồng nhưng bà con có thể tìm hiểu thêm về một số đặc điểm sau để có thể phòng tránh hoặc áp dụng để vườn chanh dây đạt năng suất cao.
Đặc điểm của đất trồng khi độc canh: Độc canh là chỉ trồng chanh dây liên tiếp trong nhiều năm trên cùng một mảnh đất. Điều này dẫn đến một số vấn đề cho đất trồng, nhất là một số sâu bệnh tồn tại trong đất sẽ bắt đầu quen thuộc với môi trường và có thể nhân lên theo thời gian. Thời gian càng kéo dài thì việc tích tụ mầm bệnh càng cao khiến cây dễ mắc các bệnh liên quan đến gốc, rễ. Việc thâm canh và xen canh cùng luân canh với nhiều loại cây khác sẽ giúp đất có độ nghỉ, cũng như giảm được tình trạng trên.
Nguyên nhân phải cải tạo đất sau khi thu hoạch: như đã nói trên, việc trồng một loại cây trên cùng một mảnh đất rất dễ sản sinh ra nhiều mầm bệnh cùng vi khuẩn trú ngụ trong đất, khiến cây bị nhiễm bệnh sau một thời gian xuống giống. Giống đã được tuyển chọn kỹ lưỡng nhưng không cải tạo lại đất sau khi thu hoạch mà cứ thế tiếp tục xuống giống sẽ để lại thiệt hại vô cùng lớn cho cây trồng.
Cách quản lý dinh dưỡng đất trồng chanh dây: Đất là môi trường trung gian để cây hấp thụ chất dinh dưỡng, ông bà ta có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đúng ý trên mặt chữ, việc điều tiết lượng nước vào từng thời điểm khác nhau là vô cùng quan trọng. Đối với chanh dây là cây ưa ẩm thì tưới nước tầm 1 – 2 lần/ngày là chuyện bình thường. Việc giới hạn lượng nước tưới bằng cách lắp các đường nước tưới phun sương, tưới nhỏ giọt để nước thấm dần vào đất. Về phần bón phân, tùy thuộc vào từng vùng khí hậu, từng loại đất mà bà con đang canh tác chanh dây chia theo liều lượng thích hợp. Khi xuống giống sẽ bón thúc cho cây phát triển, sau đó là kỹ thuật chăm sóc chanh dây qua từng giai đoạn như lớn độ cây ra cành, đơm bông, kết quả.
Tóm lại, đất trồng cần đầy đủ nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây nhưng không được lạm dụng vì việc thừa nước sẽ làm úng rể, thừa dinh dưỡng sẽ gây bệnh héo lá rũ cành.
3. Các bệnh có thể xảy ra do nguyên nhân đất trồng không được xử lý đúng cách:
a. Bệnh thối rễ:
- Nguyên nhân: Bệnh thối rễ cây chanh dây do nấm Phytophthora gây ra. Phytophthora cinamomi thường gây hại vào mùa hè và mùa thu, Phytophthora megasperma thường gây hại vào mùa xuân.
- Triệu chứng:
- Cây bị bệnh tán lá vàng, sinh trưởng kém và làm chết cây.
- Lá cây chuyển sang màu xanh nhạt. Khi lá chuyển vàng và rụng khiến cây không quang hợp được, dần dần cây héo rũ và chết.
- Thân cây chuyển từ màu xanh sang màu nâu, cây bị khô và nứt.
- Phần cổ rễ bị thối và lan dần xuống rễ.
Bệnh thối rễ thường xảy ra trong giai đoạn 1-2 năm đầu sau khi trồng. Ở những vườn trước đây đã từng có mầm bệnh, thì bệnh sẽ xuất hiện sớm và gây hại nặng nên bà con cần cân nhắc khử vôi, thuốc đầy đủ hạn chế bệnh.
b. Sưng rễ
- Nguyên nhân: Sưng rễ là bệnh do nấm Plasmodiophora brassicae W gây ra trên cả rễ bên lẫn rễ chính. Cây trồng khi nhiễm bệnh này sẽ có dấu hiệu rễ sưng phồng với nhiều kích thước khác nhau (tùy thuộc vào mức độ nhiễm bệnh).
- Các triệu chứng nhận biết:
- Cây còi cọc, sinh trưởng chậm.
- Lá bị héo, đổi màu vào buổi trưa nắng và trở lại bình thường khi trời chuyển mát.
- Trường hợp nặng thì lá sẽ luôn rũ xuống và dần chết đi.
- Khả năng chống chịu, hút dinh dưỡng và nước của rễ cây bị giảm sút.
Bài viết vừa nhắc đến một số bệnh khi không được xử lý kỹ đất trước khi xuống giống sẽ gây hại cho cây cũng như thiệt hại lớn cho bà con. Ngoài ra còn một số bệnh khác như: Tuyến trùng, đốm dầu, đóm nâu… bà con nên lưu ý phun thuốc và xử lý lá, cành hợp lý để không để lại mần bệnh.
Tóm lại, đất trồng rất quan trọng trong canh tác chanh dây hay bất kỳ một loại cây nào khác. Việc chuẩn bị đất trước khi xuống giống để tạo một môi trường thuận lợi cho cây phát triển tốt nhất là điều bà con không nên bỏ qua.